Chăm Sóc Da, Innisfree TV, Trang Điểm

Cách Con Người “Đục Đẽo” Khuôn Mặt Để Có Một Chiếc Cằm Đẹp Chuẩn Chỉnh

Nguồn: kenh14.vn

Trong quá trình gọt mặt, từng phần xương mặt sẽ được cắt, gọt, khoan, và bắt vít – theo đúng nghĩa đen.

Một khuôn mặt “ưa nhìn” có thể đem đến lợi thế khá lớn trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc của chúng ta. Cũng vì thế mà xã hội mới nảy sinh ra những thứ như nghệ thuật trang điểm, tuyển tập động tác thể dục cho mặt, hay không thể không kể đến là… phẫu thuật gọt mặt.

Nếu trang điểm chỉ giúp khuôn mặt đẹp lên trong nhất thời, còn thể dục đòi hỏi nhiều thời gian lẫn công sức, thì hẳn phẫu thuật thẩm mỹ dường như là phương pháp vô cùng tiện lợi. Bằng cách này, ta sẽ có một khuôn mặt hoàn mỹ theo ý muốn với thời gian kéo dài nhiều năm. Yêu cầu chỉ là có đủ tiền thực hiện hay không mà thôi.

Xem cách con người đục đẽo khuôn mặt để có một chiếc cằm đẹp chuẩn chỉnh - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trên đời thực sự không có gì là “liều thuốc tiên”, và phẫu thuật gọt cằm là cách làm đẹp không hề đơn giản mà đòi hỏi quy chuẩn an toàn rất cao, vì nó ẩn chứa nhiều rủi ro.

Quy trình gọt mặt có phần đau đớn…

Bước đầu trước khi tiến hành loại phẫu thuật này, các bác sĩ thẩm mỹ sẽ chụp cắt lớp khuôn mặt bệnh nhân, rồi mô hình hóa trên máy tính để đánh giá.

Xem cách con người đục đẽo khuôn mặt để có một chiếc cằm đẹp chuẩn chỉnh - Ảnh 2.

Tùy vào việc xương cằm có bị thụt vào hoặc nhô ra quá nhiều, xương hàm có bạnh to không, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật thích hợp. Thông thường là để điều chỉnh khuôn mặt sao cho trông nhỏ đi, góc giữa cằm và hàm dưới tạo thành hình chữ V – hay còn gọi là khuôn mặt V-line.

Tiếp đến, là quá trình thao tác trực tiếp trên xương mặt, tập trung nhiều ở phần xương ở hàm dưới.

Nếu bệnh nhân có xương hàm bạnh và cằm nhô, xương ở phần góc hàm và cằm sẽ được cắt bớt, sau đó mài lại cho nhẵn phần cắt.

Phần xương chóp cằm được “tỉa” nhỏ rồi gắn lại dưới cằm bằng ốc vít y tế

Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật còn có thể cắt thêm phần xương hàm trên, rồi gắn với phần hàm dưới, để nâng lên cho khuôn mặt được thuôn đều.

Đối với người có phần hảm nhô ra quá nhiều, thậm chí phần xương hàm trên và dưới còn có thể được cắt đôi, hoàn toàn tách khỏi khung xương, gọt bớt phần thừa rồi nối lại để làm toàn bộ hàm nhỏ lại.

Ngược lại, với bệnh nhân có cằm thụt hay nhỏ thì tiến hành độn thêm dưới cằm vật liệu ghép bằng silicon, polyethylene… hoặc phần chóp xương cằm được cắt ra rồi đẩy lên phía trước để cằm nhô ra thêm.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần khoảng vài tuần để hồi phục, và được khuyến cáo chỉ ăn các loại thức ăn mềm như cháo nhằm giảm hoạt động nhai xuống mức tối thiểu.

… đến hệ lụy đáng quan ngại của phẫu thuật gọt mặt

Vì phẫu thuật gọt cằm thao tác trực tiếp trên xương mặt, ảnh hưởng gây ra không chỉ với xương mà còn cả cơ và dây thần kinh, nên quá trình phẫu thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao.

Nếu không, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như đau mãn tính, nhiễm trùng, lệch miệng, nặng hơn là mất khả năng nhai hoặc biểu lộ cảm xúc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Xem cách con người đục đẽo khuôn mặt để có một chiếc cằm đẹp chuẩn chỉnh - Ảnh 7.

Một áp-phích quảng cáo tại Hàn Quốc

Một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy, hàng năm tại quốc gia này có khoảng 5000 ca phẫu thuật gọt mặt được thực hiện, và 52% bệnh nhân gặp phải các vấn đề về giác quan trên gương mặt, như bị tê cứng.

Shin Hyon-Ho – một luật sư về vấn đề lạm dụng y tế sống tại Seoul cho biết, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp hậu phẫu bị đau hàm kinh niên, sai lệch cấu trúc răng và hàm, không thể nhai hoặc cười.

Đồng thời, ngoài nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng từ sơ suất trong phẫu thuật (như mất máu hoặc nhiễm trùng), gọt mặt có thể đem lại nhiều hệ lụy khác.

Vào tháng 08/2012, một thiếu nữ Hàn Quốc đã tự tử sau khi thực hiện phẫu thuật gọt mặt. Lý do được nêu trong thư tuyệt mệnh là vì cô cảm thấy tuyệt vọng khi không thể nhai thức ăn và chẳng thể ngừng khóc do tổn thương thần kinh trong tuyến lệ.

Vì thế, với những rủi ro không hề nhỏ, hãy suy xét thật kỹ trước khi bạn có ý định chỉnh sửa lại khuôn mặt tự nhiên của mình bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

Làm cho bản thân đẹp hơn không phải là một nhu cầu sai trái, nhưng bất chấp sức khỏe chỉ để đẹp thì hẳn là không nên chút nào.

Nguồn: Dailymail, Cleveland Clinic, AAFPRS, YK Plastic Surgery

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *