Chăm Sóc Da

Hướng dẫn cách đọc thông tin trên tuýp chống nắng đúng cách nhất

Kem chống nắng là sản phẩm bảo vệ da khỏi các tổn thương gây ra bởi ánh nắng mặt trời, tia cực tím, được sử dụng hằng ngày, có thể tiếp xúc thân mật và giữ lại trên da trong nhiều giờ. Dù có mật độ phổ biến cao nhưng không phải ai cũng có thể thông hiểu hết các thông tin được hãng ghi chú trên bao bì. Do đó, trong bài viết này, Jeju Cosmetics sẽ hướng dẫn cách đọc thông tin trên tuýp chống nắng đúng cách nhất. Mời bạn cùng theo dõi nhé!

#1. Chỉ số SPF là gì?

SPF là cụm từ viết tắt của “Sun Protection Factor”, đây là một chỉ số thể hiện lượng thời gian mà da có thể được bảo vệ tối đa dưới tác động của các tia UVB. Thông thường, da có thể bị đốt cháy sau khoảng 10 phút khi tiếp xúc với ánh nắng nhưng nếu bạn sử dụng sản phẩm chống nắng có SPF30, thời gian da được bảo vệ sẽ lâu hơn, gấp 30 LẦN so với việc không sử dụng sản phẩm Sun care. 

  • SPF15: bảo vệ da bạn khỏi UVB khoảng 93%
  • SPF30: bảo vệ da bạn khỏi UVB khoảng 97%
  • SPF50: bảo vệ da bạn khỏi UVB khoảng 98%
  • SPF100: bảo vệ da bạn khỏi UVB khoảng 99%

Do vậy, có thể nói chỉ số SPF càng cao thì thời gian sản phẩm có thể bảo vệ da của bạn càng lâu và loại chống nắng đó càng tốt. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phũ định hiệu quả của các sản phẩm có SPF thấp hay SPF30 hay SPF50.  Bởi, mức độ hiệu quả của một sản phẩm Sun Care có thực sự tốt hay không còn phụ thuộc vào loại sản phẩm, thành phần và tình trạng cơ địa của người dùng.

#2. Chỉ số PA là gì?

PA là cụm từ viết tắt của “Protect Grade of UVA”, đây là một chỉ số thể hiện mức độ lọc tia cực tím UVA của sản phẩm chống nắng, mức độ bảo vệ da được thể hiện bằng các dấu cộng (+). Chỉ số PA hoàn hảo và cao nhất hiện nay là PA++++ (4 cộng).

  • PA+: mức độ bảo vệ da khỏi UVA khoảng 40-50%   
  • PA++: mức độ bảo vệ da khỏi UVA cao khoảng 60-70%
  • PA+++: mức độ bảo vệ da khỏi UVA rất cao khoảng 90%
  • PA++++: mức độ bảo vệ da khỏi UVA hiệu quả trên 90%

#3. UVA là gì?

– Là loại tia cực tím bước sóng A chiếm đến 95% trên tổng số các tia bức xạ UV đến bề mặt Trái Đất

– Là tia cực tím có bước sóng dài từ 320nm – 400nm, gồm hai tia: UVA1 (340 – 400nm) và UVA2 (320 – 340nm).

– UVA có thời gian hoạt động mạnh nhất là trước 10h sáng và sau 2h chiều (chiếm 99% lượng UV)

– Khoảng thời gian giữa 10h – 14h tia UVA sẽ hoạt động “yếu hơn” nhưng vẫn chiếm 95% tia UV.

– UVA có khả năng xâm hại da sâu, có thể xuyên qua thượng bì và tấn công vào hạ bì gây: viêm da, ung thư da, tạo thành nếp nhăn, khiến da nhanh lão hóa và phá hỏng hàng rào bảo vệ da, khiến chúng mất đi khả năng miễn dịch tự nhiên.

– UVA có thể dễ dàng xuyên qua các đám mây, các lớp trang phục mỏng, một số nghiên cứu chỉ ra chúng còn có thể xuyên qua cửa kính xe.

#4. UVB là gì?

– Là loại tia cực tím bước sóng B chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trên tổng số các tia bức xạ UV đến bề mặt Trái Đất

– Chỉ có khả năng tác động trên bề mặt da (tầng thượng bì), là thủ phạm làm đen da và gây bỏng nắng.

– Hầu hết UVB đều bị ngăn lại trong khí quyển do tầng ozone hoạt động như một lớp lá chắn kiên cố. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, không khí nóng lên và hiện trạng thủng tầng ozone đã khiến các tia UVB được tăng cường tác động xuống mặt đất.

– UVB là loại tia cực tím có nước sóng ngắn tầm 315 – 280nm.

– UVB có thời gian hoạt động mạnh nhất là từ 10h sáng đến 14h (chiếm 5% lượng UV)

– Khoảng thời gian trước 10h sáng và sau 2h chiều, UVB hoạt động yếu hơn (chiếm 1% lượng UV)

– Vào sáng sớm, UVB là loại “nắng” có thể giúp cơ thể tổng hợp Vitamin D (có lợi).

– UVB không có tác dụng xuyên sâu như UVA nhưng nhìn chung nó vẫn khiến lớp biểu bì của chúng ta bị tổn hại theo nhiều cách, ví dụ: bỏng nắng, sạm da, tăng sinh hắc sắc tố, …

*Theo các nghiên cứu, cả UVA và UVB đều có hại cho da, mức độ nghiêm trọng của chúng tùy thuộc vào thời gian da bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hay ít. Nếu bạn không bảo vệ da bằng các biện pháp can thiệp như che chắn, sản phẩm chống nắng, … trong tương lai, 2 loại UV này có thể làm hư hại ADN của bạn và tăng nguy cơ đột biến tế bào da. Trong tia UV còn có UVC, nhưng may mắn là loại tia này đã bị tầng ozone ngăn lại không cho tiếp xúc với mặt đất.

#5. Chống nắng phổ rộng là gì?

Chống nắng phổ rộng là nhóm các sản phẩm bảo vệ da hiệu quả khỏi các các tác động xâm hại của cả hai tia UVA/UVB. Trên nhãn bao bì, chống nắng phổ rộng thường được mô tả là “Broad Spectrum”.

#6. Chemical Sunscreen là gì?

Chemical Sunscreen” là sản phẩm chống nắng hóa học. Đây là thuật ngữ để chỉ các sản phẩm chống nắng tập hợp từ hai đến nhiều thành phần hóa học có khả năng  hấp thụ các tia UVA và UVB như một miếng bọt biển. Các thành phần chống nắng hóa học phổ biến có thể kể đến như: avobenzone, oxybenzone, Mexoryl SX và XL và Tinosorb M. Ưu điểm của các sản phẩm chống nắng hóa học có:

  • Độ thẩm thấu cao cùng lớp finish mỏng nhẹ, trong suốt, không gây bệt màu mất tự nhiên trên da.
  • Có thể sử dụng để thay thế lớp lót khi trang điểm.
  • Có khả năng thâm nhập vào lớp biểu bì và hạ bì, hoạt động tương tự như một lớp màng lọc để hấp thụ các tia cực tím.

#7. Mineral Sunscreen là gì?

Mineral Sunscreen” hay còn có tên gọi khác là Sunblock, là từ mô tả về các sản phẩm chống nắng vật lý, có khả năng bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách làm chệch hướng hoặc chặn sự xâm nhập của các tia UVA/UVB với bộ lọc khoáng từ oxit kẽm và titanium dioxide.

Những sản phẩm loại này được cho là lành tính hơn chống nắng hóa học vì chúng không xâm nhập vào da và chứa ít hoạt chất gây dị ứng da, thân thiện với da nhạy cảm. Hai thành phần chống nắng vật lý phổ biến nhất là titan dioxide và kẽm oxit.

Ưu điểm của các loại kem chống nắng vật lý có thể kể đến là:

  • Có thể sử dụng cho mọi loại da, kể cả da nhạy cảm và da trẻ em.
  • Khả năng bảo vệ da có thể thực hiện ngay lập tức khi được bôi lên da (không cần phải thoa trước 10 – 20 phút).

*Dưới đây là bảng so sánh sự khác biệt giữa hai loại kem chống nắng hóa học và vật lý:

*Nên thử kem chống nắng với một vùng da nhỏ trước khi thoa lên mặt để kiểm tra xem loại sản phẩm đó liệu có phù hợp hay kích ứng với bạn không nhé!

#8. Water-Resistant

Water-resistant” là cụm từ mô tả khả năng chịu nước của sản phẩm đó trong một khoảng thời gian nhất định được ghi chú ngay trên bao bì. Thời gian chịu nước của các sản phẩm chống nắng thường nằm trong khoảng 40 – 80 phút (hoặc hơn tùy thương hiệu), bao gồm khả năng sản phẩm cố định vị trí không bị trôi khi tiếp xúc với môi trường nước hay mồ hôi.

Theo chỉ định của FDA: không có loại kem chống nắng nào có thể khẳng định khả năng chống thấm nước “waterproof” nhưng chịu nước “Water-resistant” thì hoàn toàn có khả năng.

#9. Non-comedogenic

Non-comedogenic” được xem là một cụm từ đồng nghĩa với “dành cho da dầu, dành cho da mụn” của một sản phẩm. Nói một cách khác, khái niệm Non-comedogenic trong các sản phẩm chống nắng dùng để chỉ các sản phẩm không có chứa các thành phần gây mụn và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Với những bạn sở hữu da dầu, mụn có thể xem đây là những gợi ý đáng tham khảo.

#10. Photostable/Photostabili

Photostabili” là cụm từ mô tả tính ổn định của sản phẩm khi tiếp xúc với ánh sáng, đồng nghĩa với độ bền của kem chống nắng trong khoản bảo vệ da. Đây cũng là một trong những danh mục đáng lưu ý khi bạn lựa chọn kem chống nắng nếu không muốn sản phẩm mà bạn lựa chọn dễ dàng mất tác dụng ngay trong lần tiếp xúc với UV lần đầu tiên.

#11. Nanoparticals/ Nanoparticles

Một vài loại chống nắng dạng kem có chứa các hạt nano (1-100nm) sẽ có chú thích trên bao bì bằng các cụm từ như “Nanoparticals” hoặc “Nanoparticles”. Trong quá khứ có một số lập luận cho rằng các loại chống nắng có chứa nano có thể gây hại cho sức khỏe người nhưng các tin đồn này đã bị bác bỏ bởi nhiều nghiên cứu sau này.

Theo các chuyên gia, đa phần các sản phẩm chống nắng vật lý thường sử dụng các khoáng hạt nano để khắc phục nhược điểm gây trắng, bệt da trên bề mặt. Nhờ kích thước siêu nhỏ, các khoáng hạt nano sẽ dễ dàng tiệp da và dễ liên kết với da, tạo ra một lớp rào cản khít chặt hơn, qua đó cũng ghi nhận độ an toàn của chúng. 

#12. Antioxidants

Nếu bạn tìm thấy cụm từ “Antioxidants” trên bao bì kem chống nắng thì đây là dấu hiệu của hãng cho bạn biết đây là một sản phẩm có chứa các chất chống oxi hóa có công dụng trung hòa các gốc tự do “Free Radicals”, bảo vệ da, ngăn ngừa và làm chậm quá trình lão hóa. 

Ngoài 12 thuật ngữ đã kể bên trên, liên quan đến kem chống nắng và bảo vệ da còn có các cụm từ quen thuộc khác như:

  • Sun Spots: là cụm từ mô tả các đốm đồi mồi, đốm nâu, xuất hiện trên những vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng ở nhiều vị trí trên cơ thể.
  • Free Radicals: được hiểu là các gốc tự do có các phân tử không ổn định do ánh nắng mặt trời gây ra và là “thủ phạm” gây lão hóa da.
  • Photoaging: đồng nghĩa với lão hóa và các thiệt hại trên da và cơ thể do UV xâm hại
  • Melanoma: là tên một loại bệnh ung thư da nguy hiểm – u sắc tố có thể gây chết người.

Hi vọng với những hướng dẫn cách đọc thông tin trên tuýp chống nắng đúng cách mà Jeju Cosmetics đã chia sẻ, bạn sẽ có thêm cho mình nhiều cách lựa chọn sản phẩm chống nắng thật phù hợp nhé! Chúc bạn có được một làn da sáng khỏe!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *